Cả hai như cùng một hệ thần kinh điều khiển, bật ngay dậy. Hoàn thắt lại cái dây lưng da hai đầu còn lõng thõng trước bụng. Còn Ái, tay nâng vú, tay kéo cái xu chiêng xộc xệch, giật thẳng gấu áo, vớ cái lược, chạy ra trước tấm gương lớn, đưa tay cào vội lên mái tóc cờm cợp, cố giữ giọng điều hoà, vọng ra ngoài cửa: “Chị Thương, hả? Chờ, em đang dở tay một tý!”.
Rồi xắn hai ống tay áo, vẻ như đang dang dở một công việc, trước khi kéo cái then sắt còn kịp đánh tia mắt vào Hoàn đang xếp lại đống gối bị xô trên giường, ngầm bảo: phải bình tĩnh! Và sau đó ghé mặt ra khe cửa mở, thản nhiên như không: “Sao chị về sớm thế, chị Thương?”.
Bánh xe đạp lách cửa vào trước, theo sau là bóng Thương tùm hum áo mũ dạ màu dâu tây:
– Rét tím cả mặt mày. Học sinh đến có non nửa lớp. Tức mình cho nghỉ béng!
Theo đúng bài bản, Hoàn vòng qua gian bếp, ló mặt bên cửa phụ, tay cầm cái dùi đục, giả đò như đang trong công việc, vồn vã:
– Chào chị Thương! Hôm nay đài báo nhiệt độ xuống tám độ. Tưởng nhà trường cho học sinh nghỉ học chứ?
– Sở có cho lệnh mới được nghỉ – Thấy chị gái lạnh lùng cố tình lờ đi không đáp lại lời Hoàn, Ái vội đáp thay chị, rồi khép cửa, quay vào – Anh Hoàn đến chơi, em nhờ vỗ lại mộng một bên má giường.
Vẫn như điếc, Thương gõ guốc cộp cộp đến trước gương, tụt mũ, tháo găng ngắm nhìn hình mình. Hoàn nháy mắt với Ái, ra hiệu: anh tút nhé, nhưng thấy Ái lắc đầu, liền đứng lại vẩn vơ trước cửa buồng ngủ. Rút ngay khác nào tự thú. Hú vía! Dấu vết của cuộc quần thảo yêu đương ở đoạn mới khởi động đã được xoá bỏ, trừ một bên chiếu còn xẹo xọ.
Vẫn như chẳng thèm để ý đến gã trai, Thương gí sát mặt vào gương, xuýt xoa:
– Rét quá. Nẻ hết cả mặt, cả môi. Cả mu bàn tay. Mày có bị nẻ không, Ái?
“Không có sự nghi ngờ. Nhưng sao lạnh lẽo thế!” – Hoàn thầm nghĩ, tựa vai vào khung cửa, khó chịu ngắm Thương từ phía sau. Hai chị em giống hệt nhau, khó phân biệt, đặc biệt là nhìn từ phía sau. Phía sau, đầu hai chị em đều hơi bèn bẹt khiến cho kiểu đầu mái đứng rất hợp. Đôi vai nhỏ nhắn, khiêm nhường. Trái lại bộ hông lại bung nở mượt mà, đầy sức khêu gợi. Hai chị em khác nhau chăng là ở khuôn mặt, nhất là thần thái khuôn mặt. Ái đầm ấm, tròn trịa, nồng thắm. Còn Thương, đã sang tuổi băm, hơn em gái gần chục tuổi, mặt trái xoan với những đường cắt dứt khoát, sắc sảo và lạnh.
Thương lạnh, lạnh lắm. Cứ như kỵ đàn ông vậy. Chứ không như Ái. Hoàn từ một tỉnh đồng bằng lên Hà Nội học một lớp chuyên tu về văn hoá đại chúng, quen Ái trong một vũ hội tuổi trẻ ở quận Hai Bà. Đã hơn một năm qua kể từ ngày ấy. Khi ấy Ái học năm cuối cùng Đại học Sư phạm. Khi ấy, Hoàn còn mang nguyên vẹn đặc tính nhút nhát, quê mùa và khôn lỏi. Được làm quen với Ái, thấy Ái nồng nàn đáp lại tình cảm của mình, y trở nên bạo dạn dần.
Ra trường, đi dạy học, để thuận tiện sinh hoạt, Ái ăn ở ngay khu tập thể nhà trường; gần đây, sau lần chị Thương mổ cắt ruột thừa, mới dọn về ở cùng. Hai chị em, một căn hộ ba mươi tư mét trên gác tư, đầy đủ tiện nghi. Chị em gái, một liên minh tự nhiên. Chị em gái, cái nhân sâm.
Lần đầu tiên đứng trong căn buồng sang trọng, được Ái giới thiệu với chị Thương, Hoàn ngây ngất. Y cảm động và nghĩ tới thân phận nghèo hèn, không may mắn của mình, bỗng trở nên một gã đàn ông vô cùng nồng nhiệt và đắm đuối khác thường. Quen nhau được ít lâu thì y tỏ tình. Tỏ tình được chấp nhận thì y đòi cưới. Ái chân thành, nhưng như tất cả con gái nhà nền nếp, lại có chị gái kè kè kề bên, nên hết sức dè giữ. Tuy vậy, hình như sáng nay thì đã đến lúc. Chị Thương đi dạy vắng. Đột ngột Hoàn tới. “Nhớ em quá! Anh phải đi thực tập công tác Câu lạc bộ ở Bắc Ninh một tuần”. Y hầm hập, chằm bặp, nằng nặc quấn lấy Ái. Vẫn thấy có cái gì đó ngờ ngợ lắm, nhưng nể, nhưng bị cuốn vào đam mê do chính mình khao khát, Ái chỉ kịp buông miệng: “Để em khoá cửa cái đã” và khi cơn sôi cuồng tưởng như sắp tới đỉnh điểm thì đột ngột Thương về.
– Ái này, có lạc đấy.Rời khỏi mặt gương, Thương xoa xát hai bàn tay nẻ, dửng dưng đi qua trước mặt Hoàn, tới cái túi buộc ở sau xe đạp.
Ái nhảy từ bếp ra:
– Hoan hô! Em nấu xôi lạc nhé. Anh Hoàn ăn xôi rồi hãy đi!
Thương giật cái túi vào bụng, xưng xỉa, nửa thật nửa đùa:
– Chi ra đây hai mươi ngàn! Tình là một, tiền là hai, phải sòng phẳng, chị em ruột cũng vậy!
Hoàn che miệng ngáp dài:
– Thôi, phải đi không lỡ mất hẹn. Chào chị Thương ạ. Ái ở nhà nhé!
Ái đang cười nắc nẻ, với tay giật túi lạc trong tay chị gái, quay lại, ái ngại nhìn Hoàn, muốn an ủi y một câu mà không biết nói thế nào.
*
Một tuần xa Hà Nội, Hoàn sống với hai cảm giác trái chiều. Nhớ tiếc cái thú vị sắp được ân ái với Ái bao nhiêu, y lại càng bực dọc với cô chị Ái bấy nhiêu. Bỗng dưng có được quan hệ thân thiết với người phụ nữ đầu tiên trong đời, bao nhiêu năng lượng còn le lói trong y như được đánh thức; y thấy mình tự tin hơn, cao giá hơn. Cao giá hơn, vì khốn khổ, y có là cái giá trị gì đâu.
Cụ nội y, một tên trương tuần vô học. Y là con một gã say rượu bét nhè. Nhân thân y chỉ là một anh chàng quai búa lò rèn, nhờ có tài vặt đặt vè và lợi khẩu, được tâng lên hàng văn nghệ sĩ nghiệp dư, rồi được tuyển vào ngành văn hoá, rồi được cử đi đào tạo. Y không xây đắp mình trên một cơ tầng văn hoá cao. Y không phải là hạng đàn ông mơ ước của phụ nữ có học. Thật là như thế! Nhưng mà bây giờ thì không phải là như thế! Trái lại là khác! Phải, trái lại là khác kia! Vậy thì tại sao Thương lại có thể lạnh lùng, thậm chí khinh khỉnh, ác cảm với y?
Khinh khỉnh, ác cảm với y! Mà không phải chỉ lần vừa rồi. Những lần khác cũng vậy. Đang vui vẻ, xởi lởi, vừa trông thấy y ló mặt vào là cô chị đổi mặt lạnh như tiền, cứ như y là một con vật đáng khinh bỉ, hoặc là một con số không vô nghĩa lý vậy.
Hay là tại cái mặt y, cái điệu bộ của y tuy cố làm sang mà vẫn quê kệch, lấc cấc, vừa quỷ quyệt vừa ngố nghế thế nào đó. Mặt mũi y nhìn tổng thể thì không đến nỗi dị dạng. Những chú mục thì thấy cái tướng hãm, cái vẻ bần tiện ở mọi chi tiết. Mắt y nhỏ lại hay nhìn trộm nên gian lắm. Tai y quắt, mép y ăn tham nên thàm làm chốc trắng và môi y cong cớn như môi một con mẹ bán hàng rong. Y đi đứng, nói năng không đàng hoàng. Bạn bè y nhận xét rằng, y dẫu có đi sang Tây du học mười năm, hai mươi năm thì cũng không cắt được cái đuôi nhà quê lộ ra mọi chỗ.
Kể ra khi y nhắc lại như vẹt những danh ngôn của các bậc danh nhân, ừ, y lợi khẩu. Y có một số câu tủ đi đâu cũng phô phang, ra cái điều ta đây hiểu biết lắm. Chẳng hạn: “Mỗi người đều có một món nợ phải trả”; “Lịch sử mà không có sự kiện thì sao gọi được là lịch sử”. Hay: “Con người là một quá trình vật chất liên tục”. Hoặc: “Anh hùng mà không có khí phách anh hùng là sao!”.
Giọng y tuy hùng dũng nhưng khê khê, quê quê thế nào ấy. Người ta hút thuốc thì sang trọng. Y cầm điếu thuốc thì như cầm cái dùi. Hai luồng khói đặc tuôn qua hai lỗ mũi y như hai cái vòi, trông mà phát tởm. Ăn phở, không như người ta, y bưng cả bát lên, húp soàm soạp và gõ bát ầm ỹ như ăn bánh đúc riêu cá ở chợ. Bạn y còn ghét y ở cái tính khôn vặt, ăn bẩn. Y là thằng ăn rong, ở lạc, nhưng đóng vai nghĩa hiệp. Yêu được cô giáo Ái là y mèo mù vớ cá rán, là y đã đạt trình độ cao thủ trong sự lừa dối mọi người rồi đấy!
Nhưng mà không! Thời gian chưa đủ để cô chị có thể nhận xét tư cách y như bạn bè y được. Nhưng cô chị thì cao sang gì, đã là cái gì mà có quyền xét nét y. Nói cho cùng thì Thương cũng hãm tài, tướng đàn ông, chứ báu gì! Ngoài ba mươi rồi đã có ma nào nó vời đến đâu. Điệu này ế ẩm là cái chắc. Như vậy thì không phải là do cái mặt y, tính cách y. Như vậy, lý do lạnh nhạt với y cuối cùng có thể khẳng định: Chỉ là sự ganh ghét! Phải, Thương ganh ghét với Ái. Cô chị ghen với hạnh phúc của cô em. Ôi chao, tình là một, tiền là hai, phải sòng phẳng, chị em ruột cũng vậy. Con người vốn ích kỷ vô cùng!
Phát hiện ra điều ấy, Hoàn sững sờ cả người.
Trên đường trở về thành phố sau một tuần xa cách, Hoàn quyết định sẽ rẽ vào thăm Ái và nói cho Ái biết điều phát hiện quan trọng nọ. Để Ái không còn áy náy. Để y thêm vững tâm. Hôm nay là thứ năm, Ái không có tiết dạy.
“Để em khoá cửa đã nào!”. Chà, lại được nghe câu nói vừa nhân nhượng vừa nũng nịu ấy của Ái, rồi quấn riết lấy nhau trong mê hồn trận, thì y có thể chết ngay, chứ đạp xe ngược chiều gió lạnh thế này đã mùi gì!
Khoá xe ở hành lang tầng một, Hoàn hăm hở xách túi quà leo lên căn gác bốn ngôi nhà lắp ghép quen thuộc. Gõ cửa ba tiếng theo một ám hiệu đã quy ước, y giật bắn mình vì nhận ra người mở cửa cho y lại là Thương.
Không hỏi một câu, người phụ nữ kéo then cửa liền quay lưng lại, vội vã bước trở lại buồng ngủ ngay. Nhưng, chị cũng kịp toả ra không gian nhỏ hẹp hơi ấm nồng nàn của da thịt đàn bà ủ trong chăn ấm và Hoàn có cảm giác người như nở ra; y cũng cảm thấy được an ủi vì eo hông Thương, cặp đùi Thương trong cái váy ngủ mỏng tanh, chợt vô tình chạm vào mắt y khi chị quay vào, gợi nhớ đến nôn nao hình ảnh Ái mà y đã từng chiêm ngưỡng.
Khoác thêm cái áo dạ ra ngoài, Thương lặng lẽ vắt màn, gấp chăn, không cất một lời hỏi han, mặc dầu Hoàn đã bước đến cửa buồng, thở xuỳ xuỳ, tỏ ý muốn bắt chuyện.
“Ta đoán định có sai tẹo nào đâu. Đúng là thói ích kỷ, ghen tức hẹp hòi của đàn bà. Thôi được, dễ người dễ ta, khó người khó ta. Ta sẽ chào một câu, rồi phắn luôn”.
Hoàn ngừng thở, nghĩ. Rồi bước tới cái bàn nước, đặt cái túi vải lên, dõng dạc:
– Có cân lạc gửi chị và Ái.
– Gì thế?
Người phụ nữ ngẩng lên, hắt ra một câu ngắn, rồi buông sõng:
– Ái nó đi dạy thay một cô bạn bị ốm sáng nay.
– Không sao!
Hoàn buột miệng. Đắc chí vì câu đáp bất ngờ, rất hợp cảnh và hiện đại, y búng tay một cái rồi quay gót. Đúng lúc ấy, trong buồng ngủ, người phụ nữ gieo mạnh cái chăn, quay ra phía bếp, hốt hoảng kêu: “Thôi chết, cháy! Rút hộ cái phích điện ra với!”.
Hoàn vội chạy vào bếp. Y ngắt điện. Và nhận ra trên bếp, chảo bánh rán đã cạn kiệt dầu rán, đã bắt đầu bốc mùi khét.
– May quá, chưa việc gì! Bánh nở đều quá. Con khỉ Ái đi mà không vặn xuống nấc điện thấp!
Thương cầm cái bát lớn, bước vào, ngồi xuống gắp bánh. Mái tóc chưa kịp tết đổ xoà ra phía trước. Người phụ nữ lúng túng ngúc ngoắc cái đầu.
– Chị và Ái đều là phụ nữ đó xinh đẹp lại khéo tay thật!
Đứng dậy, Hoàn lại thấy mình nói được một câu rất hợp cảnh và có giá trị.
– Phải làm lấy mà ăn chứ!
Thương đáp chủng chẳng. Hoàn quay lại, nhoẻn cười, tiếp nhận câu giao đãi đầu tiên của người phụ nữ vốn lãnh cảm với y.
– Nghe Ái nói, ngày xưa bà cụ giỏi nữ công gia chánh lắm?
Lại một câu nói nữa gần như được chọn lọc mà lại hết sức tự nhiên. Tự nhiên như y vừa đưa tay lên cắm lại phích điện, vì ngầm đoán được yêu cầu của Thương, và lập tức chạm tay vào tay Thương.
– Gớm, tay gì mà giá như đồng!
Hoàn rụt tay cười cười:
– Đạp xe ngược gió suốt từ sáng.
– Chịu khó nhỉ!
– Mỗi người đều có một món nợ phải trả!
– Nợ gì!
– À… Nợ nói chung! Thế mà về đây còn gặp giá lạnh hơn đồng!
– Chuyện!
“Chuyện!” – Cùng với cái chép lưỡi, đó là một tiếng nói hàm súc. Lại thêm cái lườm của người phụ nữ. Hoàn lập tức nhận ra sau cái vỏ ỡm ờ nọ là sự giận hờn rất đáng yêu, đáng thể tất của cô chị. Y lập tức trở nên hiền lành, ngoan ngoãn khi Thương bưng bát bánh đứng dậy, nói như ra lệnh: “Thôi, lên nhà!”.
*
Bát bánh đặt trên bàn. Hai người ngồi đối diện. Chiếc đồng hồ quả lắc cổ chợt xoè cót, buông mười tiếng dóng dả vang ngần. Căn buồng bỗng như trống rỗng. Và người phụ nữ bỗng như có nhu cầu phải giải toả sự nén đợi trương căng cả cơ thể. Chị thở dồn.
– Cái Ái nó sắp về. A, lại biết mua cả lạc!
– Mua đâu! Người ta biếu. Con người đúng là một quá trình vật chất liên tục.
– Vật chất gì?
– À, à…
– Ăn bánh đi!
Hoàn cắn môi, lưỡng lự. Thương hẩy đầu, cắn miếng bánh:
– Sợ của ngọt à?
– Không! – Hoàn nín hơi, lỗi một nhịp thở, nhìn mặt người phụ nữ thoáng ưng ửng làn men hồng, thư giãn – Sợ sự băng giá. Sợ sự lầm lì. Xinh thế mà mặt lầm lầm tát nước đầm không cạn.
– Ai xinh! Ai lầm lầm! Câu ví nhà quê hay nhỉ?
Người phụ nữ bật cười, đặt một bàn tay lên mặt bàn. Không bỏ lỡ cơ hội, chất ma cô thủ lợi trong Hoàn bừng ngay dậy, y liền đưa tay vuốt mu tay Thương.
– Tay Thương đỡ nẻ chưa? Ở nhà quê ấy mà, lấy mỡ cá rô sát vào chỗ nẻ là khỏi ngay nhé!
Thương không rụt tay về.
Vừa lúc có tiếng đẩy cửa và tiếng Ái cười váng nhà:
– Biết ngay là ông tướng Hoàn. Xe đạp muốn bốc hơi hay sao mà để ở dưới tầng một!
Hoàn nhổm lên:
– Khoá rồi cơ mà!
– Khoá Trung Quốc cũng không là cái gì nhé! Xin nhớ cho!
Thương xốc áo đứng dậy, chợt trở nên vui vẻ khác thường:
– Lần sau thì đem gửi nhé. Thiếu tiền thì đây cho. Nhớ chưa?
Rồi nhìn Ái, choảnh hoảnh:
– Này Ái, ông Hoàn biếu lạc đấy. Tao rang. Mày đi mua bia. Tiền đây, tao chi!
*
Chiều khép cánh. Ngày rụng. Hoàn hối hả ngược cầu thang. Giờ này chỉ có Thương ở nhà. Hoàn đã đoán đúng. Và lần này bước vào nhà, y dạn dĩ khác thường. Giữa y và Thương đã có cái gì đó chung nhau.
– Còn nhớ lời hứa không? Chi năm trăm tiền gửi xe đây.
Người phụ nữ đang nấu ăn, tay cầm đũa cả, tay cầm bát nước cơm mới chắt, ngang ngửa cười rất tươi:
– Tiền ở túi áo chứ ai người ta cầm sẵn ở tay bao giờ.
Ái tình, cái địa hạt riêng tư, vùng con người cố thủ với tính ích kỷ thâm canh cố đế. Hoàn đã phát hiện ra điều hệ trọng ấy. Và y nhận ra điều đó là đúng, khi thấy Thương bước đầu tỏ ra tiếp nhận chút tình cảm riêng tư của y. Cái xấu nọ làm tiền đề cho cái xấu kia. Mà cũng chẳng phải là cái xấu. Nó là thói đời thông lệ. Ai mà chẳng muốn được yêu và nếu cần thì phải giằng giật. Và trong văn cảnh ấy, trí tò mò, tính hiếu thắng của gã trai tỉnh lẻ lập tức bốc dậy, do có thêm sự phù trợ đắc lực của sự ma ranh, cái phần du côn sẵn có trong y.
Hoàn xấn lại ngay. Tưởng y có thể trơ trẽn thọc tay vào túi sơ mi chật căng nơi ngực Thương theo gợi ý của chính Thương để lấy tiền, ai ngờ y lại táo tợn vòng tay ôm ngang hông Thương.
– Ơ kìa! Làm cái gì thế! Đổ hết cả nước cơm bây giờ.
Tưởng sẽ ăn một cái tát phẫn nộ vì bị xúc phạm, không ngờ Thương chỉ rẫy nhẹ như lấy lệ và khe khẽ kêu, Hoàn liền giở bài bây.
– Mặc! Tiền đâu, chi ra đây!
– Thì phải để người ta lấy đã chứ! Nôn nả gì mà ghê quá!
Hoàn buông tay, nhe răng cười:
– Nói đùa tí thôi. Anh hùng mà không có khí phách anh hùng, lại bắt người đẹp chi là thế nào!
– Anh hùng! Người đẹp! Cũng biết tán ra trò đấy nhỉ?
– Đâu có phải tán! Lịch sử sở dĩ là lịch sử là vì nó có sự kiện.
– Nói hay nhỉ?
– Đó là do Thương!
– Do Thương!
Người phụ nữ xìa môi, dài giọng đay lại. Hoàn nghiêng đầu:
– Do Thương đẹp!
– Thôi đi! Rõ con rô cũng tiếc, con riếc cũng tham!
– Không đúng! Thương xinh hơn Ái, thông minh hơn Ái nhiều. Người khôn con mắt đen sì. Mắt Thương đen, đẹp lạ.
Hoàn vòng tay qua lưng Thương.
Những lời ca tụng âu yếm xô nhau xổ lồng. Người phụ nữ nở rộ. Trước nay đã có gã đàn ông nào đụng được vào người chị. Và biết chắc là gã trai này nịnh nọt mình, chị vẫn càng lúc càng bừng bừng ngốt ngát. Có cảm giác từng ngõ ngách cơ thể chị bị gã đàn ông ma cô khuấy động, kích thích trong một cuộc chơi khép kín hoàn toàn. Quan hệ đàn ông đàn bà, ái tình, thú nhục dục, miền đất màu bí ẩn.
Tim đập rộn lên, Hoàn xiết mạnh vòng tay qua eo lưng Thương. Nhưng vào lúc y tưởng như đã sắp đi đến đích, đã sắp hoà nhập với Thương thành một khối dính liền, đã nghĩ tới viễn cảnh chiếm đoạt được cả cô chị lẫn cô em thì bỗng nhiên thấy như kẻ bị bước hụt, bị tách bật ra vì một lực đẩy thật mạnh.
– Thế nào, được con em lại thèm con chị! Được con chị lại dụ dị con em à!
Thương quẫy nhẹ đẩy Hoàn ra, đổi mặt lạnh nhạt. Hoàn há hốc miệng, thõng hai tay, mặt ngơ ngơ:
– Đâu có! Mình chân thành.
– Chân thành!
– Thật mà! Mình với Ái chỉ là bạn bè thôi. Không thể là…
Hoàn buông lửng câu nói. Thương cúi xuống nồi thịt rim. Mặt nghiêng nghiêng một lát cắt thật mảnh. Và cái cổ áo do động tác quẫy nhẹ đã buột một nút khuy bấm, hở một khoảng ức trắng ngà. “Không thể rút lui được nữa rồi!”. Hoàn nghĩ, máu liều bốc lên đầu, lập tức lấn tới. Và lần này nắm được cánh tay Thương, y run lên vì không thể ngờ sao bắp tay Thương lại chắc nịch và mịn màng thế. Càng không thể ngờ, Thương chỉ vùng vằng như giả vờ và khe khẽ kêu:
– Lui ra nào, không cháy nồi thịt bây giờ.
Rồi hai con mắt Thương khép lại thành một vết lườm nhẹ, nửa giận hờn, nửa thân thiết, qua mặt y.
– Có đói thì dọn bát lên cùng ăn!
Hoàn rên một tiếng trong ngực. Trời! Y nhớ đến hôm rồi Thương sai rút hộ cái phích điện vì chảo bánh rán cạn kiệt dầu. Và nhận ra đó là tín hiệu của sự chấp nhận. Thế là tận dụng ngay thời cơ, lẽ ra là thò tay vào túi áo Thương để lấy 5.000 đồng tiền gửi xe thì gã tranh thủ thọc ngay tay vào cổ áo hở, lần thẳng xuống bầu ngực Thương. Và nhe răng ỡm ờ:
– Đến đây chỉ để ăn chực một bữa cơm thôi á!
Rồi thình lình, giật mạnh, kéo Thương đổ nghiêng vào mình. Bủn rủn cả người, Thương vội oằn người thoát khỏi bàn tay rờ rẫm sỗ sàng của gã trai. Và lạ chưa, đâu có phải tất cả đàn bà đều dị ứng với loại đàn ông tợn tạo, đàng điếm. Thành ra, trong vòng tay của gã, thoáng cái Thương đã lả mềm như một ngọn cỏ và lát sau bỗng trở nên thanh tân, thơ dại lạ lùng, chị ngẩng lên thỏ thẻ:
– Thế không ăn thì… muốn gì?
Như chỉ đợi có thế, Hoàn cúi xuống vục mặt vào ngực người phụ nữ, rộn rực:
– Muốn… nhiều thứ. Nhưng trước hết cho anh hôn một cái đã.
– Không được! Không được!
– Một cái thôi.
– Không được! Cái Ái nó sắp về rồi!
Hoàn nóng dâng như bốc lửa. Y cứ luôn mồm kêu: “Mặc kệ, mặc kệ Ái, anh chỉ biết có Thương, anh chỉ yêu mỗi Thương thôi” và nôn nóng đẩn người phụ nữ đi về phía cái giường đôi quen thuộc ở góc nhà. Cho tới lúc y bỗng thấy bị đẩy hất ra, loạng choạng xuýt ngã rập vào vách tường. Thương đã như một kẻ đang ngủ mê choàng thức, vùng ra khỏi vòng tay y, lao về phía bếp. Nồi thịt rim cháy khét lẹt, khói bốc trắng mờ cả ngăn bếp.
*
Ái về muộn. Bước vào nhà kêu rức đầu, vì tắc đường ở ngã tư đường La Thành – Giảng Võ, ngồi xuống, mặt càng nhăn nhó, khịt mũi khó chịu.
– Có mùi gì khét thế chị?
– Nồi thịt rim bị cháy.
Thương nghển cổ, tiếp:
– Hoàn nó đến tìm em. Chị ra hành lang mở máy giặt, phơi quần áo, bảo nó trông hộ nồi thịt, nó mải xem báo, quên phứt.
Ái nhấc bát cơm, và một miếng, nhai trệu trạo. Rồi đặt xuống, đưa mắt lướt qua mặt chiếc giường ở góc đối diện. Hai chiếc gối xếp ngay ngắn chỉnh tề. Ga trải giường kéo thẳng căng. Có cái gì đó như là cố tình, trái với tự nhiên thường tình. Mặt Ái bỗng sa sầm u ám.
– Sao ăn ít thế?
– Không muốn ăn.
– Ốm à?
– Không.
– Chị hồi này ăn không biết no. Ở trường, các bà bạn kêu: khéo sắp thành su mô rồi đấy! Này, xem bụng chị. Cứ như bụng trâu. Mấy cái quần cũ cặp chật ních cả rồi.
Không để ý đến sắc mặt Ái, mặt tươi rờn, Thương lại rộn rực:
– Nhân nói về bụng, chị lại nhớ, hồi còn đang học sư phạm, có một anh bác sĩ khoa sản tán tỉnh chị. Vừa mới gặp nhau vài lần, chưa ra đâu vào với đâu, anh ta đã bảo, khi nào chị đẻ phải mổ thì anh ta sẽ mổ ngang cho chị. Vì mổ ngang khi mặc áo tắm vết mổ lẳn vào nếp da bụng, bụng chị vẫn đẹp. Chứ không như vết mổ ruột thừa vừa rồi. Đàn ông buồn cười thật đấy! Trường Nguyễn Du chị dạy hồi mới tốt nghiệp, có ông hiệu trưởng đã vợ con đề huề. Chị dạy được một năm thì ông ta xin chuyển đi trường khác. Trước khi đi, ông ta gặp chị, mặt rầu rầu: Chỉ vì Thương đấy, cô mình ạ. Giờ, anh xin em một ân thưởng duy nhất đây. Cho anh hôn một cái nhé, em xinh đẹp à.
Ái quay mặt đi. Sao hôm nay Thương vui vẻ khác thường thế. Đấy, lại huyên thuyên sang chuyện học trò lớp chị chúng nó biết yêu nhau sớm quá, Ái à. Bốn mươi hai đứa, mười lăm mười sáu tuổi, mới nứt mắt mà đã ghép lại thành hai mươi mốt cặp, ngồi ôtô đi tham quan thành Cổ Loa, từng đôi ngồi vào lòng nhau, hôn hít nghịch ngợm nhau suốt. Thương đâu có lầm lì. Thương đâu có băng giá lạnh lùng. Tựa như vừa được tiếp nhận thêm một nguồn lực, giờ là một Thương khác. Trẻ trung, đa ngôn đa sự, tung toé, vô độ. Như có một linh hồn xa lạ nhập vào, giờ đây Thương như lên cơn tuỳ hứng, ngẫu sự, như người đàn bà bản năng vừa thức dậy tháo cũi xổ lồng.
Cả đến khi tắt tivi đi nằm, Ái lầm lầm, phăng phắc để chìm vào nghĩ ngợi, để nhận ra căn nguyên biến đổi lạ lùng ở chị gái mình, để mỗi lúc một thêm uất nghẹn thì Thương vẫn cứ phớn phở rổn rảng liên hồi. Thương không buồn ngủ. Mắt Thương chong chong. Tràn trề hưng phấn, Thương âm ỷ râm ran những ngọn lửa cháy trên các vùng da thịt trong một cơn khoái lạc nhục thể chưa từng. Điều đó thấy rất rõ ở cử chỉ sỗ sàng của Thương. Có lúc đang nằm, Thương bật chồm lên, ghì riết Ái, hổn hển đòi hôn bằng được Ái mới thôi. Điều đó thấy rất rõ ở giọng nói vang vổng bồi hồi của chị lúc sớm tinh mơ, khi căn buồng âm âm tối mới chỉ lọt qua khe cửa vào đôi ba hơi khí dương.
– Ái, làm gì mà dậy sớm thế? Mà định đi đâu đấy?
Ái ngồi ở bàn nước, cạnh chân là cái va ly căng phồng, lặng im, như không nghe thấy tiếng chị gái. Rồi ngước lên nhìn Thương vừa ngồi dậy, bước tới, thở một hơi dài, ngực phập phồng, dồn dập:
– Chị có biết Hoàn là người thế nào không? Chị có biết cái gã nhà quê học đòi ấy ít hơn chị gần chục tuổi không? Chị có biết anh ta đã tỏ tình với em không? Đã đòi cưới em không? Mà tôi nói thật để chị biết: Tôi không đời nào lấy anh ta đâu. Không đời nào tôi lấy thằng Sở Khanh ấy đâu!
Nói mấy câu cuối cùng, Ái đã giở mặt, giọng Ái nhâng cao, ánh ỏi, quyết liệt và đau đớn vô cùng. Rồi cúi xuống, Ái nhấc va ly, đi ra cửa, dọn về nơi ở cũ.