Vợ chồng hề

by Thanh Tuấn

Lúc anh nhận thư này thì em và các con đã đi xa. Em không thể chịu được kiểu sống lục đục, suốt ngày cãi nhau như kẻ thù… Anh hãy ở lại, nhớ giữ gìn sức khỏe, khỏi lo gì cho mẹ con em. Căn nhà là của anh, mẹ con em không cần gì. Để anh đỡ buồn, Tửng để lại cho anh con rùa. Em Hương”.

Mảnh giấy đặt trên bàn ăn, chặn bằng ống đựng tăm. Thái lơ đãng nhìn mấy dòng chữ lều khều của thằng Tửng. Chắc nó lại bóng banh dặn không ăn cơm nhà đây. Thái định đặt tờ giấy vào chỗ cũ, nhưng mấy chữ đầu đọc lướt đã như dính chặt vào mắt anh. Cái gì? Cái gì đi xa? Thái nghiêng tờ giấy ra ánh sáng đọc lại từng chữ: Lúc anh nhận thư này thì em và các con đã đi xa. Láo! Thằng Tửng… Anh bật cười, hết hẳn váng vất ngái ngủ. Nhưng mấy dòng chữ lại bắt anh đọc tiếp, rồi đọc lại… Không! Không phải thằng Tửng mà-là-Hương? Hương đã nhờ nó viết. Rõ ràng, mạch lạc, lạnh lùng không sai một chữ. Tờ giấy xé từ vở học trò phẳng phiu, giờ đây nó khiến lòng Thái rối như tơ vò. Hừm… Thế là thế nào nhỉ?

Như rình kẻ gian, Thái khẽ nhón từng bước đến trước phòng con trai, gọi to, Tửng… Tửng ơi… Rồi vặn nhẹ cánh cửa. Không có ai. Anh quay vội ra, rảo sang phòng con chị, vừa chạy vừa gọi Thu ơi… Thu! Cũng trống không. Thái gần như cuống cuồng định chạy vào phòng ngủ của hai vợ chồng, nhưng chợt nhớ ra đêm qua anh nằm ngoài salon. Cãi nhau xong một trận nẩy lửa, Hương đi trực, Thái lăn ra ngủ sau khi tức khí uống bay một chai rượu vang. Vậy là sáng nay Hương về sớm thu xếp mọi chuyện rồi quắp lũ con ra khỏi nhà. Hừ… Người gì mà thâm độc. Lại còn giả nhân giả nghĩa, anh ở lại, nhớ giữ gìn sức khỏe, khỏi lo gì cho mẹ con em… Nhưng đi đâu? Đi đâu mới được chứ? Thái thực sự rối trí, anh ngồi thừ ở phòng khách như kẻ mất hồn. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh chạy vào phòng ngủ mở toang tủ áo của vợ. Mọi thứ vẫn y nguyên, gọn ghẽ; hai cái va ly, một chiếc to, một chiếc nhỏ cabin vẫn trên nóc tủ. Thái chạy sang phòng thay đồ. Bộ túi xách hàng hiệu, giày dép gần chục đôi vẫn ngay ngắn. Quần áo mặc dở hàng ngày trong thùng gỗ chưa kịp giặt vẫn còn nguyên. Anh thừ người, thở dài… Dường như anh đã lần ra đầu mối vụ việc, anh quay ra phòng khách, nhấc điện thoại gọi cho vợ. Mới hồi chuông thứ hai, Hương đã cầm máy, Thái hỏi lớn: “Em đâu! Sao vậy?”. Đầu dây bên kia giọng Hương tươi trẻ và đằm thắm như ngày nào: “Em đây..! Sao đâu. À, sáng nay em ở lại họp giao ban xong rồi về một thể…”. Hương định nói gì thêm thì Thái hỏi giật giọng: “Thằng Tửng đâu, con Thu đâu?”. “Chúng nó đi học… Nhưng sao. Sao anh?”. Đến lượt Hương hốt hoảng, hỏi liên hồi. Thái đã loáng thoáng hình dung ra toàn bộ câu chuyện, anh gần lấy lại được sự cân bằng, bình tĩnh đáp:

– Không! Thế nó đi học thật à?

– Vâng… thật. Sao anh? – Hương hỏi lại, vẻ không yên tâm.

– Không! Không sao – Thái hạ giọng. Để câu chuyện trở lại bình thường, anh nói thêm – Không có gì đâu. Vậy thôi, em họp đi.

– Thế anh cà phê ăn sáng chưa? – Hương hỏi, ân cần – Anh đợi em khoảng hơn nửa tiếng nữa, em về ăn một thể nhé…

Thái gác máy. Anh hít một hơi thật dài, rồi thở ra thành tiếng khoan khoái… Hây dà, vậy là như chưa hề có cuộc chia ly. Trời lại trong xanh, hiền hòa. Nắng và gió dịu dàng lại tràn vào khung cửa treo hai chậu cúc ngọc nữ có chùm hoa tím hồng kiêu sa, lung linh, óng ả… Thái cười thầm tự trách mình rượu vào ngớ ngẩn, chuyện vớ vẩn vậy mà hốt hoảng rối trí tới mức không phân biệt được thực hư. Anh cẩn thận gấp mẩu thư cho vào túi áo.

*
Hừm… Tất thảy đều do thằng Tửng mà ra cả. Một chuyện hệ trọng thế mà sao nó có thể biến tấu ra như vậy nhỉ? Ngay đến cả cái điều “Tửng để lại cho anh con rùa” cũng thế. Con rùa núi màu vàng to hơn cái đĩa là Hương mua được ở cửa hàng thú cưng, vì thấy nó hơi giống tính cách lừ đừ của thằng Tửng, hễ có động là rụt đầu nấp kín trong mai, nhưng chỉ vài giây yên ắng là lại thò cổ ra ngoài ngó nghiêng quan sát. Nó được nuôi lâu trong nhà nên dạn dĩ, thân thiện như chó, hễ thấy bóng thằng Tửng ra sân là lập cập bò đến ghếch nửa mai lên bàn chân chủ nằm ngước đôi mắt tròn xoe gật gật cái đầu làm trò. Mỗi lần thế là Tửng ta lại cào cào lên mai con rùa, nựng: “Mày tình cảm phết, nhỉ. Ăn ít, sạch sẽ, gọn gàng lại chả phiền đến ai. Hứ hứ…”. Lần đầu nghe thằng Tửng nói vậy, con Thu vốn bừa bộn, suốt ngày bám váy mẹ, chột dạ hỏi: “Mày nói chị. Đúng không?”. Thằng em toét miệng cười, đay lại: “Ớ ờ… Còn lâu chị mới được như rùa nhé. Hè hè…”. Nó cưng con rùa thế mà trong cái vụ “chia tài sản sau ly hôn” này lại sẵn lòng để lại cho bố để bố đỡ buồn.

Nhưng thằng Tửng là đứa có khả năng quan sát khá nhạy bén. Ngay từ hồi lớp 3, các bài văn miêu tả của nó thường không giống ai, nhưng lại luôn được cô giáo khen là nhiều ý hay, có nhận xét khá thú vị… Chả thế mà mỗi lần Hương kiểm tra bài vở là vợ chồng lại vỡ ra cười. Nó tả về bố thế này: “Bố em là người oai nhất nhà. Không phải oai vì cao to, bố chỉ cao một mét sáu bảy thôi, mẹ bảo thế. Nhưng rất lạ là bố em chẳng phải làm gì. Ngủ dậy không thấy bố gấp mền, quần áo thì đã được mẹ em sắp sẵn treo trong tủ, đánh dấu từ thứ hai đến thứ sáu. Mỗi sáng bố em chỉ việc lấy ra mặc vào ngon lành, rồi đi làm. Bố em không dữ, nhưng hình như trong nhà ai cũng phải sợ. Cả bà ngoại cũng thế, có việc gì là bà lại ngọt ngào gọi bố bằng anh Thái, anh Thái, nghe sốt cả ruột…”. Nghe Hương diễn cảm trầm bổng, thích thú đọc bài văn của con, Thái đã chột dạ bảo: “Này! Chết… Phải dè chừng nhé. Riêng tư gì với nhau, nhỡ thằng Tửng nghe lỏm được lại đem ra làm văn là khốn đấy”.

Khốn thì chưa, nhưng bà nội ở ngoài Bắc nghe chuyện về thằng Tửng cũng đã điện vào, bảo: “Này..! Anh chị cãi nhau thế nào, cháu tôi biết hết đấy. Rồi vận vào nó chứ chả chơi đâu”. Thì cũng lo thế, nhưng vợ chồng cãi nhau như cơm bữa hình như đã thành tật. Tuy chưa đến độ mày tao chi tớ, nhưng chì chiết, hắt hủi, mạt sát nhau thì cũng đã đủ vành, đủ vẻ. Chả thế mà không ít lần Hương chạy sang nhà bà chị ở chung cư bên cạnh rít lên, thề độc “Không thể chịu được rồi chị ạ. Chắc em phải chấm dứt thôi” thì bà chị vốn “người phán xử” đã quá quen nên bình thản, bảo “Gớm..! Dứt cái con khỉ. Chúng mày đúng là vợ chồng hề”. Ờ… điều này thì có lẽ đúng. Nhiều lúc cứ như hề thật. Chả thế mà cãi nhau nảy lửa xong lại hòa cả làng ngay được. Như trận chiến hôm đầu tuần ấy. Đoạn kết căng thẳng đến độ chồng bỏ ra ngõ chơi cờ, vợ vào phòng ngủ nằm lướt phây, nhưng chỉ chừng một tiếng sau, Thái đã mò về, hỏi trống không: “Con Thu, thằng Tửng đâu rồi”. “Suỵt… Để yên cho chúng nó học bài”. Hương tay cầm điện thoại lò dò ra, nói giọng nhẹ bẫng như làn gió. “Ời… Mấy cha cựu chiến binh ngoài ngõ thách cờ. Tưởng gì, hóa ra thấp như rế, ba ván thua cả ba. Chán chết”. Nói rồi Thái ngồi phịch xuống salon. Hương đặt điện thoại trên bàn, ngồi xuống theo. Đoạn đối thoại trống không ấy đã kết thúc cuộc chiến, chẳng cần một lời tuyên bố hòa bình.

Vợ chồng người ta cãi nhau cũng phải có lý, nhưng Thái Hương thì không. Nói chung là bạ cái gì trái ý, trái tai một tý là quặc nhau được liền. Chả thế, có lần bà chị Hương thắc mắc vì sao cái gì hai đứa cũng cãi nhau được, thì Hương đã giải thích tỉnh bơ “Chậc, bọn em cứ phản xạ tự nhiên thôi”. Và “mà sống thế mới thích. Cứ trải lòng ra thôi chị ạ. Hèn chi… Nhưng đâu chỉ có chuyện trải lòng. Những thứ xa tít mù khơi họ cũng đem về biến nhà mình thành trận địa để chiến đấu… Như cái trận hôm qua chẳng hạn. Thoạt đầu… Thoạt đầu là thế nào nhỉ… À phải rồi, đầu tiên là họ bàn về truyện ngắn tuyệt hay của một tác giả người Nga có tựa đề “Cô gái và bông hồng nhung”. Truyện tóm tắt thế này.

Belia, một tiểu thư khuê các xinh đẹp, đi nghỉ mát ở bờ biển phía Nam. Nàng có một thói quen độc đáo là đi dạo với bông hồng nhung trên tay. Hình ảnh lạ lẫm ấy đã lọt vào đôi mắt trải đời của Victor, một nhà sưu tập tranh trẻ đẹp mã, sành sỏi trong chuyện tình ái. Họ quen nhau ngay sáng hôm sau và chàng trai gần như choáng váng với hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Belia chính là nhân vật của bức tranh sống động “Cô gái và bông hồng nhung” mà ở đó, cô được tái tạo trên một gam màu hổ phách hoàn hảo còn bông hồng nhung trở thành điểm nhấn cho hậu cảnh mỏng manh trong suốt của bình minh tinh khôi… Tác giả của bức tranh chính là chồng của Belia, một họa sĩ già hơn nàng gần 50 tuổi mà Victor, người từng theo chân các nhà sưu tập lão luyện săn lùng bức tranh đó đã được nghe vô số những lời đồn đại nhuốm màu sắc huyền thoại. Rằng, tác giả của bức tranh là người nổi tiếng trong giới bá tước, quan chức cao cấp ở Petersburg. Rằng, Belita không phải là người mẫu hội họa, nàng là con gái của một tá điền trong trang trại trồng hoa hồng ở ngôi làng nhỏ nằm cách Petersburg hai ngày ngựa trạm mà vị họa sĩ già chính là người đã phát hiện ra cô, đưa cô vào xưởng vẽ của mình để thành người mẫu “độc quyền”, rồi khi bức tranh hoàn thành thì cô cũng thành vợ yêu của ông. Rằng, Belia chỉ được xuất hiện một lần duy nhất trước công chúng trong khoảng một giờ đồng hồ tại cuộc triển lãm ra mắt tác phẩm tại một lâu đài lộng lẫy bậc nhất ở Petersburg. Sau đó cả bức tranh và cô gái đều biến mất… Nhưng câu chuyện tiếp theo còn kỳ lạ hơn thế. Đó là kể từ sau buổi triển lãm, ông họa sĩ không rời Cô gái và bông hồng nhung nửa bước. Bức tranh được ông treo trang trọng trong phòng ngủ riêng của mình. Ông yêu cô gái trong tranh và bỏ bê cô vợ trẻ xinh đẹp, mặc dù nàng vẫn được ông chiều chuộng, được hưởng một cuộc sống giàu sang với đầy đủ uy quyền của một bà chủ…

Và rồi ở bãi biển ấy, cái gì phải đến đã đến, Belia cùng Victor đã có 6 ngày bên nhau, trao cho nhau tràn đầy các cung bậc tình cảm. Đến ngày thứ bảy thì Belia nhận được thư của chồng phải về nhà gấp để cùng ông đi dự triển lãm tranh ở Paris… Họ xa nhau, tưởng rằng chuyện của hai người sẽ chỉ là một giấc mơ tình ái… Nhưng không, 6 ngày đã trở thành định mệnh, vĩnh viễn không phai mờ. Thế là họ lại gặp nhau khi nàng từ Paris trở về trong những tình huống liều lĩnh do nàng khôn khéo sắp đặt. Và rồi đã nảy sinh một toan tính táo bạo, chàng sẽ đón nàng vào đêm thứ sáu định mệnh ở một bến sông. Họ sẽ lên một con tàu, lao về phương Nam ấm áp sống trong một ngôi nhà gỗ kề bên một bãi cỏ xanh mướt chạy hút đến chân núi xa xa để chỉ cái chết mới chia lìa được lứa đôi… Kế hoạch rất hoàn hảo, nàng và bà vú có được hai ngày thong dong để bí mật chuẩn bị cho cuộc trốn chạy…

Nhưng Victor đã không đến nơi hẹn báo hại cho Belia và bà vú phải chờ gần 3 tiếng đồng hồ trong mưa rét. Cuối cùng không còn cách nào khác họ đành trở về, bí mật lên nhà bằng lối đi tối mít dành cho gia nhân trong lúc tất cả các ngọn đèn của ngôi biệt thự đều được bật sáng theo thói quen đón khách dự dạ tiệc và ngài họa sĩ già đang bình thản ngồi ở phòng khách hút thuốc. Bà vú lấy cớ ra thay gạt tàn thuốc đầy ắp thì chỉ nghe ông nhỏ nhẹ, ân cần: “Cô lạnh và đói đấy. Tôi đã đốt lò sưởi rồi, bà nấu cho cô bát súp nóng, rồi lo giường ấm cho cô nghỉ”…

Chuyện chỉ có thế thôi, nhưng nó đã lôi vợ chồng Hương Thái vào một cuộc tranh luận và nhanh chóng biến balcon sáng sủa ở căn penhouse tầng 15 thành trận địa của một cuộc đại chiến.

– Hồi đó, em bênh vực thằng sở khanh đúng không? – Thái hỏi.

– Đúng. Và bây giờ vẫn bênh – Hương đáp, rồi thêm – Sở khanh là trước kia thôi. Còn từ khi gặp cô gái thì anh ta yêu thật lòng.

– Thế mà thật lòng? Nó hèn nhát, trở mặt không thèm đến chỗ hẹn. Thấy chưa?

– Thì tại kế hoạch không thành thôi. Chắc là lão chồng già đầy thế lực kia đã cho người đến dọa tay sưu tầm tranh rồi…

– Piệc… – Thái chép miệng chán ngán – Đúng là đồ vô ơn.

– Cũng dễ hiểu thôi – Hương vẫn rỉ rả. Nàng có vẻ không muốn tiếp chiến.

– Dễ hiểu gì? Phải rồi… Thế nên bây giờ cô mới bênh vực con dâm phụ – Từ anh – em, chuyển sang cô – tôi. Cuộc chiến đã khai mào.

– Này, anh đừng có độc miệng – Không kìm được, Hương buộc phải chiến đấu – Con dâm phụ nhưng cũng có cái lý của nó đấy. Sống với một ông chồng già chỉ yêu cái đẹp do mình tạo ra một cách ích kỷ như thế mà làm gì. Ông ta làm ra cái đẹp, nhưng không xứng đáng được hưởng thụ cái đẹp. Anh-hiểu-chưa? Có vẻ như với triết lý ấy, Hương đang trên đà chiến thắng.

– Hiểu gì? Một bước lên bà mà còn không biết. Đúng là đồ vô ơn – Thái nhắc lại.

– Lên bà mà làm gì? Sống như thế thì phải tự giải thoát thôi.

– Giải thoát à. Ngoại tình thì có. Ngoại tình, cô biết không?

Thái gần như gầm lên. Nhưng Hương biết thừa, đấy chẳng qua là phản ứng của kẻ yếu thế. Cô vẫn rỉ rả.

– Biết. Nhưng chính lão họa sĩ mới là ngoại tình. Ngoại tình với cô gái trong tranh, anh biết không?

– Hừ… Thế cô không biết đấy cũng là vợ ông ta à? Ông ấy yêu vợ đến thế còn gì.

– Vợ nào? Bệnh hoạn thì có – Hương nhìn thẳng vào mặt Thái, thách thức.

– Bệnh hoạn? Ông ta yêu cả hai. Nghệ thuật và-vợ-của-mình – Thái nhấn mạnh. Đầu gật gật theo từng lời, vẻ đắc thắng.

Tưởng Hương đã bí thế, Thái được thể: “Người đâu mà thiển cận. Chuyện đơn giản và tinh tế đến thế mà không biết” – Im lặng kéo dài, Hương uể oải với chiếc điện thoại trên bàn. Nhưng đúng vào lúc trận chiến tưởng như đã kết thúc thì Hương mắt vẫn không rời khỏi màn hình iPhone, giọng rành rọt như đọc trạng thái trong facebook: “Hứ! Thật đúng là một lũ đàn ông”. Thái ngạc nhiên, dò hỏi nhìn vợ.

Kể ra trận chiến đến đây là ngừng được rồi. Kệ bố cái con Belia và thằng sưu tầm tranh cách nay ngót trăm năm ở cái xứ sở những đêm trắng ấy. Thu quân thôi, vợ về phòng, còn chồng ở lại nhẩn nha với cái công việc tưới cây, ngắm hoa. Có cả cái chậu quỳnh vừa nứt lá với cái cuống hoa tím tím đơm mấy nụ xanh chúm chím đấy. Chỉ đêm mai là nở thôi. Rồi là… rồi là sẽ như mọi khi, nửa đêm vào ngủ, chạng vạng sáng lại “quân ta giao chiến cùng quân nó, nước nó giao hòa với nước ta”… Thế là xong, mọi sự lại êm ru… Nhưng sự đời lại không như vậy, sau cái phút im lặng đến vô cùng Thái bỗng chợt hiểu ra là trong câu nói tưởng như bâng quơ ấy của vợ ẩn chứa một hàm ý đầy thâm hiểm. Thế là anh nhìn Hương, hỏi giọng đầy khiêu khích: “Sao. Lũ đàn ông nào?”. Và truy vấn: “Cô nói cả tôi đúng không?”. Hương mắt vẫn không rời điện thoại, chốt một câu gọn lỏn: “Tất!”.

Thái đã biết trước câu trả lời, nhưng anh không nghĩ nó lại sắc lạnh đến thế. Vì vậy mà anh bất ngờ đến độ cứng đơ không biết phản ứng ra sao, đành quay ra thầm rủa vợ. Hừm… cái mặt xinh xắn thế mà thâm độc. Sắp già rồi vẫn cong cớn… “Thật đúng là…” – Thái bật thành lời. Lần này thì im lặng thật. Hương không thèm trả lời, nửa phút sau cô đứng lên ôm gối đi về buồng ngủ, buông một câu vào thinh không: “Thôi..! Đi trực”.

*
Hương về. Cô ào vào cửa, xinh tươi, trẻ trung hơn cái độ U45 dễ có đến chục tuổi. Lại như chưa hề có cuộc chiến tranh, nàng giục chồng: “Đi, đi anh”.

Ăn sáng xong, họ đến một quán cà phê sân vườn yên tĩnh sát bên hồ nước sóng sánh như gương. Vừa yên vị, Thái lấy trong túi tờ giấy gấp tư đưa cho Hương, vẻ trịnh trọng có phần thái quá: Này! Gì thế? – Chậc! Thì đọc đi, rồi biết. Thái giục. Anh không cười, như để báo một sự việc trầm trọng. Quả nhiên, Hương đón bức thư, vẻ căng thẳng. Và chỉ mới đọc được hai ba dòng, cô đã vội hỏi “Là sao!” Rồi đọc tiếp. Và thúc giục: “Thế là thế nào?”. Rồi lại giục giã: “Là sao hả anh?”.

– Sao nữa. Kịch bản của ông Tửng đấy! – Thái thông báo. Hương cúi xuống đọc vẻ mặt căng thẳng.

– Thế rồi bây giờ nó đâu?

– Đi học… – Thái dài giọng đáp.

– À… – Hương vỡ lẽ ré lên cười. Thái cười theo (nếu là ở nhà thì hẳn Hương đã bật dậy, ôm lấy chồng mà cười. Cười và có khi còn hét toáng lên nữa). Mãi sau, vãn trận cười, Hương mới nhấn nhá từng câu, tự giải thích: Nghĩa là thằng Tửng bị sốc trận cãi nhau của vợ chồng mình tối hôm qua – Đúng! Ông ấy nghe lỏm được – Rồi sáng nay trước khi đi học, nó bày ra bức thư này? – Chính xác. Hai vợ chồng, mỗi người một câu sắp xếp trình tự kịch bản bức thư chia tay của thằng Tửng.

– Chà Chà..! Cứ y như thật ấy nhỉ – Hương kết luận vẻ thán phục pha chút thích thú.

Xong đoạn đối đáp, cả hai bỗng lọt thỏm vào im lặng. Dường như mỗi người trong họ đang theo đuổi sự sám hối sâu sắc. Rồi như bừng tỉnh, Hương nói giọng nghiêm nghị: Nguy hiểm đấy anh ạ. Đúng là nó vận vào thằng Tửng thật – Thật chứ còn gì nữa – Phải thôi thôi, anh ạ – Thì thôi chứ sao. Thái đồng tình. Rồi họ lại chìm vào một khoảng im lặng khá lâu nữa. Im lặng dành cho nỗi thấm thía và chiêm nghiệm.

– Thôi! Thôi… Nào chồng.

Thề! – Hương tươi cười, chìa tay về phía Thái.

– Nhưng nhớ đấy nhé – Thái đáp.

– Nhớ… Mà anh ấy.

– Anh nào. Em ấy. Chả cứ phản xạ tự nhiên nữa đi.

– Ừ… Thì anh cũng vậy thôi. Nói ai – Giọng Hương có chiều xưng xỉa.

– Ai? Cô đấy! – Thái lừ mắt, sẵn đà dấn tiếp – Chuyên… môn…

– Ơ, ơ! Thôi, thôi! – Như nhận ra mùi “thuốc súng” bảng lảng đâu đây, Hương liến thoắng điều chỉnh – Thôi. Thôi… Thôi nhé. Lại sắp sửa, kìa.

Thái hiểu sự tình. Anh chụm đầu với vợ, chớp chớp mắt pha trò:

– Lại muốn một cái thư chia tài sản nữa hả? Hớ hớ…

Và hai vợ chồng lại nhào vào nhau cười sặc sụa… Cặp đôi đã có với nhau hai mặt con, ôm nhau ríu tít, vang động cả quán cà phê đầy hoa lá bên bờ nước, nơi có mấy con cá nhỏ đớp bóng thành những hình tròn đồng tâm loang ra tan dần trên mặt hồ sóng sánh, tĩnh lặng.

Sài Gòn, chớm tiết xuân Mậu Tuất

An Bình Minh
(Hội Nhà văn TP.HCM)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 485

You may also like

Leave a Comment